40 TUẦN YÊU THƯƠNG

Thông tin sức khỏe thai kỳ cho mẹ

Sự phát triển của thai nhi Tuần thứ 2

Vào tuần thứ 2 của thai kỳ, thai nhi vẫn chưa thực sự được hình thành nhưng đã có những sự phát triển nhất định. Cơ thể mẹ cũng có những thay đổi tích cực để chuẩn bị thời kỳ mang thai sắp đến. 

Sự phát triển của thai nhi 2 tuần tuổi

Ở tuần thai thứ 2, mẹ đừng ngạc nhiên nếu nghe bảo thai nhi vẫn chưa thực hình thành nhé! Bởi vì, quá trình thụ tinh thường diễn ra gần cuối tuần thứ 2 của thai kỳ và mới di chuyển đến “làm tổ” trong tử cung của mẹ. 

Tùy tình trạng sức khỏe của mỗi mẹ bầu mà thời gian xác định thai đã vào trong tử cung sẽ khác nhau. Thường gặp nhất là 7-10 ngày sau khi trứng gặp tinh trùng và làm tổ, có người phải mất 12-14 ngày thai mới tiến vào tử cung. Em bé lúc này chỉ như một “dấu chấm” tí hon với hàng trăm tế bào phân chia nhanh chóng. 

Một khi “dấu chấm” ấy “làm tổ” ở tử cung thì một phần sẽ phát triển thành nhau thai và bắt đầu sản sinh nội tiết tố Human chorionic gonadotropin (HCG). Nội tiết tố HCG sẽ báo ngừng rụng trứng nhưng tiếp tục sản xuất estrogen và progesterone giúp duy trì màng đệm tử cung cho “hành khách bé nhỏ” trú ngụ.

Bên cạnh đó, nước ối cũng bắt đầu tích tụ tạo thành túi ối bao quanh phôi thai để bảo vệ thai nhi trong những tuần thai kế tiếp. Việc trao đổi chất giữa mẹ và phôi thai cũng diễn ra thông qua các mao mạch li ti nối giữa em bé với các mạch máu trên thành tử cung. Sang tuần thai tiếp theo, nhau thai sẽ không ngừng phát triển để đảm nhận nhiệm vụ trao đổi chất này. 

Những ngày đầu của thai kỳ thì não bộ của em bé cũng được hình thành và phát triển nhanh chóng. Cho nên, mẹ bầu tìm hiểu sự phát triển não bộ thai nhi trong từng giai đoạn sẽ giúp mẹ chủ động bổ sung dinh dưỡng hợp lý để não bộ bé phát triển tốt nhất.

Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ  2

Sang tuần thai thứ 2, sự thay đổi trên cơ thể mẹ được xem là bước đầu quan trọng cho sự phát triển của bé yêu cả thai kỳ sau này. Cùng với sự phát triển của phôi thai mẹ sẽ nhận thấy cơ thể mình có những thay đổi tích cực để chuẩn bị cho việc mang thai như:

  • Thời điểm này thành tử cung của mẹ sẽ phát triển dày lên để chuẩn bị nuôi dưỡng em bé trong cả thai kỳ. 
  • Có thai 2 tuần, cơ thể mẹ tiết nhiều hoóc-môn estrogen và progesteron nên nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên ít nhiều. 
  • Mẹ bầu cũng đừng lo lắng khi thấy âm đạo bắt đầu có sự thay đổi về chất dịch nhầy ở cổ tử cung, dịch có màu trắng hay đục. 
  • Cơ thể mẹ cũng phát các tín hiệu hoóc-môn và hóa chất làm cho trứng rơi khỏi nang buồng trứng khi chín.

Dấu hiệu thấy rằng mẹ đã mang thai tuần thứ 2

Điểm qua một số dấu hiệu dưới đây để biết rằng mẹ đang mang thai 2 tuần nhé!

  • Trễ kinh: Đây là dấu hiệu đầu tiên báo thai sớm nhất mà mẹ dễ nhận biết nhất.
  • Que thử thai 2 vạch: Khi thấy trễ kinh và mua que thử thai về thử thấy xuất hiện 2 vạch tức là đã mang thai. Để cho chính xác, mẹ nên đợi sau khi quan hệ khoảng 7-14 ngày.  
  • Tăng nhiệt độ cơ thể: Ở tuần thai thứ 2, mẹ sẽ luôn cảm thấy nóng, nhiệt độ lúc nào cũng hơn 37,5.
  • Kích thước vòng 1 tăng: Sau thụ tinh nồng độ của các hormone, bầu ngực cũng có sự thay đổi lớn. Các tuyến sữa bắt đầu hoạt động nên bầu ngực tức, căng đau, đầu nhũ hoa có màu sẫm hơn.
  • Cơ thể uể oải, đau đầu: Hormone progesterone trong cơ thể tăng đột ngột làm mẹ dễ bị đau đầu. Hơn nữa, lượng máu cung cấp cho não mẹ giảm do phải chia ra cung cấp cho phôi thai.
  • Đau lưng: Mẹ cảm thấy những cơn đau nhức dọc theo sống lưng, cảm giác giống như đau lưng trước mỗi kỳ kinh nguyệt. 
  • Buồn nôn: Dấu hiệu này cho thấy mẹ đang bị ốm nghén. Ốm nghén trong 3 tháng đầu nhưng cũng có người bị ốm nghén đến hết thai kỳ. Triệu chứng này làm mẹ mệt mỏi, chán ăn.
  • Đi tiểu nhiều: Trong một ngày, số lần mót tiểu nhiều hơn lúc trước.
  • Chảy máu âm đạo và có nhiều dịch nhầy: Sau quan hệ vài ngày, mẹ thấy ở quần lót có đốm máu màu nâu hoặc hồng nhạt cho thấy trứng đã “làm tổ” ở thành tử cung thành công. Thêm vào đó là nhiều khí hư màu trắng, có khí đặc quánh ở vùng kín.

Để cho chắc chắn rằng mẹ đã mang thai chưa thì siêu âm thai là phương pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, nếu siêu âm thai ở tuần thai thứ 2 có thể kết quả sẽ không chính xác. Bởi vì, tuần này mới chỉ là giai đoạn trứng và tinh trùng mới gặp nhau, chưa kịp “làm tổ” ở buồng tử cung và kích thước của thai nhi chưa rõ. Tốt hơn là đợi thêm đến tuần 7 trở đi hãy siêu âm nhé!. 

Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 2 tuần tuổi

Mẹ bầu nên đi khám sức khỏe tổng quát để đảm bảo cơ thể mình đang khỏe mạnh, có thể thụ thai và mang thai. Thêm vào đó, mẹ hãy trình bày với bác sĩ rằng bản thân có đang mắc bệnh gì hoặc dùng thuốc gì không. Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích cho mẹ bởi vì khi mang thai mẹ không thể dùng thuốc tùy tiện, tránh gây hại đến thai nhi. 

Đặc biệt, mẹ cần thực hiện các xét nghiệm sau đây để an tâm chuẩn bị mang thai:

  1. Xét nghiệm máu: Kiểm tra bản thân có bị mắc các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, rubella hoặc các bệnh lây lan qua đường tình dục để kịp thời điều trị hoặc chích ngừa trước khi mang thai.
  2. Phết tế bào cổ tử cung (Xét nghiệm Pap): Đây là xét nghiệm giúp phát hiện có điều gì rủi ro ảnh hưởng đến việc thụ thai của mẹ hay không.
  3. Xét nghiệm di truyền: Xét nghiệm này giúp phát hiện xem mắc bệnh di truyền nào như thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, bệnh Tay Sachs,… có thể lây từ mẹ sang con không.
  4. Xét nghiệm lặp lại: HIV, que thử thai tại nhà.
  5. Xét nghiệm tự do: Ký sinh trùng Toxoplasmocist.

Mẹ cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn trong thai kỳ? 

Đây là điều băn khoăn của không chỉ riêng ai về vấn đề an toàn trong thai kỳ. Mẹ “bỏ túi” những lưu ý bên dưới để giúp an toàn cho bản thân lẫn bé yêu 2 tuần tuổi: 

  • Không dùng thuốc giảm đau: Thành phần Codein® có trong thuốc giảm đau đều ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của mẹ và hại cho sự phát triển của thai nhi. 
  • Không dùng chất kích thích: Rượu, bia, ma túy,… đều không tốt cho cơ thể mẹ đang chuẩn bị hoặc đã mang thai. Chúng là nguyên nhân làm giảm khả năng sinh sản của mẹ, tăng nguy cơ sảy thai và tăng xác suất thai nhi bị dị tật. 
  • Không căng thẳng, stress: Mẹ đang muốn thụ thai thì việc giữ tinh thần thoải mái rất quan trọng. Bởi khi tức giận, chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn sẽ ảnh hưởng trứng rụng. Còn mẹ đang mang thai tâm lý thoải mái thì cơ thể khỏe mạnh, thai nhi cũng phát triển tốt hơn.
  • Không tập thể dục quá sức: Mang thai tuần thứ 2 mẹ đừng tập thể dục quá sức. Hãy chọn tham gia tập yoga, ngồi thiền, đi bộ nhẹ nhàng để cơ thể khỏe mạnh nhé!
  • Không ăn đồ sống: Trong tháng đầu mang thai, mẹ đừng nên tiêu thụ những thực phẩm chưa nấu chín như thịt tái, Sashimi, trứng luộc hồng đào,…
  • Đảm bảo ăn đủ và cân bằng dinh dưỡng: Bữa ăn hằng ngày cần cung cấp đủ năng lượng cho cả mẹ và thai nhi (bao gồm chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Mẹ nên chia làm 1 bữa ăn rau – quả,  1 bữa ăn các chất đạm, còn chất béo thì nên dùng ít thôi. 
  • Bổ sung nhiều Vitamin tổng hợp: Chuyên gia dinh dưỡng cho hay bổ sung nhiều vitamin rất tốt cho sự phát triển của thai nhi. Nhất là axit Folic (có nhiều trong rau xanh đậm, ngũ cốc, các loại đậu và bánh mì) góp phần giảm nguy cơ dị tật thai nhi và ngừa sinh non. 

Gợi ý cho tuần thai thứ 2

Đến tuần thai thứ 2, mẹ sẽ thật hân hoan với tin vui, mặc dù kích thước và hình dáng của thai nhi chưa thật rõ ràng. Mẹ và bố hãy chủ động trong sinh hoạt hằng ngày từ việc ăn uống, rèn luyện cơ thể và cả kế hoạch cho việc “yêu” trong thai kỳ. Những tuần đầu mang thai vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường, chủ yếu là mẹ nên chọn tư thế sao cho phù hợp với từng thời kỳ mang thai. 

Mẹ hãy đến nhà thuốc mua một bộ dụng cụ thử thai để sẵn sàng kiểm tra trong trường hợp bị trễ kinh trong tuần tới. Nhớ là chuẩn bị nhiều hơn 2 dụng cụ nhé, thử vài lần cho kết quả chắc chắn hơn và thời điểm chính xác nhất là vào sáng sớm.

Đặt câu hỏi tư vấn Bác Sỹ